Hình thức đánh giá của tổ chức chứng nhận VietGAP
Hình thức đánh giá của tổ chức chứng nhận VietGAP được quy định tại Điều 14 Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành như sau:
1. Đánh giá lần đầu được thực hiện sau khi cơ sở sản xuất ký hợp đồng chứng nhận VietGAP.
2. Đánh giá hành động khắc phục được thực hiện sau khi cơ sở sản xuất được đánh giá nhưng chưa đủ điều kiện được cấp hoặc duy trì hoặc mở rộng Giấy chứng nhận VietGAP.
3. Đánh giá lại được thực hiện khi cơ sở sản xuất yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận VietGAP đã hết hiệu lực.
4. Đánh giá giám sát được thực hiện sau khi được cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Đánh giá giám sát có thể thực hiện định kỳ (báo trước) hoặc đột xuất (không báo trước); số lần đánh giá giám sát do tổ chức chứng nhận quyết định tuỳ trường hợp cụ thể nhằm đảm bảo việc duy trì VietGAP của cơ sở sản xuất.
5. Đánh giá đột xuất được thực hiện trong các trường hợp sau:
a) Khi có khiếu nại về việc cơ sở sản xuất không tuân thủ VietGAP;
b) Khi phát hiện sản phẩm được chứng nhận sản xuất theo VietGAP không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm;
c) Khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
Trên đây là nội dung tư vấn về hình thức đánh giá của tổ chức chứng nhận VietGAP. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật