Tổ chức chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với VietGAP là gì?
Tổ chức chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với VietGAP được định nghĩa tại Khoản 3 Điều 2 Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành như sau:
Tổ chức chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với VietGAP (sau đây gọi là tổ chức chứng nhận VietGAP) là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp hoặc chi nhánh của tổ chức chứng nhận nước ngoài tại Việt Nam có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 của Thông tư này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định hoạt động chứng nhận VietGAP.
Theo đó, Điều 5, Điều 6 của Thông tư này quy định như sau:
Điều 5. Điều kiện đối với tổ chức chứng nhận VietGAP
Đơn vị sự nghiệp hoạt động dịch vụ kỹ thuật, doanh nghiệp, chi nhánh của tổ chức chứng nhận nước ngoài tại Việt Nam được chỉ định là tổ chức chứng nhận VietGAP khi đáp ứng các điều kiện dưới đây:
1. Được thành lập theo quy định của pháp luật, có chức năng, phạm vi hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận sản phẩm, hàng hóa;
2. Hệ thống quản lý và năng lực hoạt động chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7457:2004 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC Guide 65:1996 - Yêu cầu chung đối với các tổ chức điều hành hệ thống chứng nhận sản phẩm (gọi chung là TCVN 7457:2004) về lĩnh vực đề nghị chỉ định;
3. Luôn có ít nhất 02 chuyên gia đánh giá cho từng lĩnh vực thuộc biên chế chính thức hoặc lao động ký hợp đồng dài hạn đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 6 của Thông tư này.
Điều 6. Điều kiện đối với chuyên gia đánh giá
1. Điều kiện đối với chuyên gia đánh giá:
a) Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, thú y thủy sản, sinh học đối với lĩnh vực thủy sản; trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông học, sinh học đối với lĩnh vực trồng trọt; chăn nuôi, thú y, sinh học đối với lĩnh vực chăn nuôi;
b) Có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực được đánh giá ít nhất 02 năm liên tục;
c) Có chứng chỉ đào tạo về nghiệp vụ đánh giá VietGAP theo lĩnh vực tương ứng do cơ quan chỉ định cấp;
d) Có năng lực đánh giá đáp ứng quy định trong tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 19011:2003 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 19011:2002 - Hướng dẫn đánh giá hệ thống quản lý chất lượng và/hoặc hệ thống quản lý môi trường;
đ) Có chứng chỉ đào tạo TCVN ISO 9001:2008 hoặc ISO 9001:2008 hoặc các phiên bản của ISO 9001 - Hệ thống quản lý chất lượng - Các yêu cầu trong trường hợp đánh giá cơ sở sản xuất nhiều thành viên do đơn vị trong nước hoặc nước ngoài có chức năng, nhiệm vụ về đào tạo chứng chỉ này cấp (gọi chung là TCVN ISO 9001:2008).
2. Tổ chức chứng nhận phải có tối thiểu 01 (một) chuyên gia đánh giá đáp ứng đầy đủ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; đối với các chuyên gia đánh giá còn lại nếu tốt nghiệp đại học lĩnh vực này muốn làm chuyên gia đánh giá lĩnh vực mới phải bổ sung chứng chỉ đào tạo chuyên môn kỹ thuật về lĩnh vực mới đó do các trường đại học chuyên ngành cấp theo hướng dẫn cụ thể của cơ quan chỉ định và giám sát (cơ quan chỉ định).
3. Chuyên gia đánh giá đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được tổ chức chứng nhận cấp thẻ chuyên gia đánh giá VietGAP theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Trên đây là nội dung định nghĩa về tổ chức chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với VietGAP. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật