Cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự có trách nhiệm gì?
Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định, có quan hệ mật thiết với Luật Khiếu nại, tố cáo và các quy định về khiếu nại, tố cáo trong các lĩnh vực khác.
Trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 482 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:
1. Cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo và gửi văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo cho người đã khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật; áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo khi có yêu cầu, ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo được thi hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết của mình.
2. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo mà không giải quyết, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết, giải quyết trái pháp luật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại, bồi hoàn theo quy định của luật.
3. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án có trách nhiệm thông báo việc tiếp nhận và gửi văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật