Tội vi phạm việc niêm phong tài sản theo Bộ luật Hình sự 2015
Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực 01/01/2018) thì:
1. Người nào được giao giữ, quản lý tài sản bị kê biên, bị niêm phong hoặc vật chứng bị niêm phong, tài khoản bị phong tỏa mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phá hủy niêm phong, giải tỏa việc phong tỏa tài khoản mà không có quyết định của người có thẩm quyền;
b) Tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại tài sản bị kê biên.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch;
b) Dẫn đến bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 100.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Dấu hiệu pháp lý của tội này là:
Khách thể: Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến hoạt động bình thường trong lĩnh vực tư pháp.
Chủ thể: Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự được cơ quan có thẩm quyền giao bảo quản tài sản bị niêm phong.
Mặt khách quan: Thể hiện ở hành vi làm mất hẳn tính năng, tác dụng, giá trị của tài sản niêm phong. Cụ thể là: Phá hủy niêm phong, giải tỏa việc phong tỏa tài khoản mà không có quyết định của người có thẩm quyền.
Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
Hình phạt tù cao nhất áp dụng đối với tội dành này là 07 năm.
Trên đây là nội dung tư vấn về tội vi phạm việc niêm phong tài sản. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật Hình sự 2015.
Trân trọng!