Người khiếu nại các quyết định, hành vi tố tụng hình sự có quyền gì?
Theo quy định pháp luật hiện hành, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Quyền của người khiếu nại các quyết định, hành vi tố tụng hình sự được quy định tại Khoản 1 Điều 472 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể:
a) Tự mình khiếu nại hoặc thông qua người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người đại diện để khiếu nại;
b) Khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án hình sự;
c) Rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại;
d) Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại;
đ) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Bênh cạnh việc thực hiện các quyền này, người khiếu nại đối với các quyết định, hành vi của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự đồng thời có nghĩa vụ:
- Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp các thông tin, tài liệu đó;
- Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn về quyền của người khiếu nại các quyết định, hành vi tố tụng hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật