Bảo quản, bảo dưỡng định kỳ phương tiện chữa cháy cơ giới
Bảo quản, bảo dưỡng định kỳ phương tiện chữa cháy cơ giới được quy định tại Điều 14 Thông tư 52/2014/TT-BCA về quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành như sau:
Định kỳ hàng tháng phải thực hiện bảo quản, bảo dưỡng, cụ thể như sau:
1. Động cơ
a) Kiểm tra và điều chỉnh khe hở chân súp páp;
b) Kiểm tra các tấm đệm nắp máy, cổ hút, cổ xả của khối xi lanh, xiết chặt các đai ốc lắp máy;
c) Kiểm tra độ nén trong xilanh động cơ;
d) Tháo bơm xăng, rửa sạch và kiểm tra hoạt động của bơm xăng;
đ) Tháo bộ chế hòa khí, rửa sạch, thổi thông các đường dẫn xăng và điều chỉnh mức xăng trong buồng phao; thay dầu các-te của động cơ; rửa bộ lọc ly tâm, lưới lọc bằng dầu diezen;
e) Kiểm tra hoạt động của quạt gió, vỏ bơm nước, van xả, các ống dẫn nước làm mát, két nước, bộ điều tiết nhiệt độ.
2. Gầm xe
a) Kiểm tra hoạt động của phanh tay, phanh chân, điều chỉnh, xiết chặt đai ốc gắn tay phanh trên trục bị động;
b) Tháo may-ơ, kiểm tra trạng thái của má phanh, guốc phanh, lò xo, ổ trục bánh xe;
c) Kiểm tra trạng thái các bánh xe và vặn chặt các đai ốc gắn bánh xe; đổi vị trí các lốp xe (nếu cần);
d) Kiểm tra trạng thái cầu trước, cầu sau và điều chỉnh độ chụm của các bánh xe;
đ) Xe chạy khoảng 12.000 km phải thay dầu hộp số; xe chạy trên 25.000 - 30.000 km phải thay dầu giảm sóc;
e) Máy bơm ly tâm làm việc đến 200 giờ phải thay dầu ổ bi của bơm;
g) Kiểm tra trạng thái ổ trục bánh xe; thay mỡ ổ trục, điều chỉnh ổ trục để bảo đảm bánh xe không di chuyển dọc trục;
h) Kiểm tra trạng thái gầm xe; bôi mỡ phấn chì lên bề mặt các lá nhíp trước và sau;
i) Kiểm tra dầu tay lái, nếu thiếu phải bổ sung;
k) Kiểm tra tay lái, phanh và ly hợp; bơm mỡ ổ trục các-đăng của tay lái.
3. Hệ thống điện
a) Tháo bình điện, lau sạch bề mặt bình điện, thông lỗ thông hơi, kiểm tra mức dung dịch và nồng độ dung dịch, nếu cần thiết đổ thêm nước tinh khiết; kiểm tra điện thế, nếu thiếu phải nạp điện bổ sung;
b) Kiểm tra hoạt động của bugi, nếu có vết nứt phải thay bugi mới;
c) Tháo máy phát và máy khởi động để kiểm tra hoạt động của các chôi than, cổ góp; lau sạch bề mặt máy phát và máy khởi động;
d) Tháo bộ chia điện, kiểm tra trạng thái làm việc và làm sạch tiếp điểm; điều chỉnh khe hở tiếp điểm (đối với máy có hệ thống đánh lửa có tiếp điểm) kiểm tra điểm đặt lửa đúng;
đ) Kiểm tra trạng thái cuộn dây đánh lửa và dây cao áp;
e) Kiểm tra hoạt động của đèn chiếu sáng;
g) Kiểm tra, bắt chặt bộ chia điện, tiết chế, nắp chụp bugi, búp báo nhiệt độ, nước, áp suất dầu;
h) Tra dầu bôi trơn vào ống lót trục cam, tấm đệm của con quay trục bộ chia điện.
4. Hệ thống bơm nước chữa cháy
a) Kiểm tra các van khóa, bảo đảm kín, điều khiển nhẹ nhàng;
b) Kiểm tra hoạt động của bơm; cụ thể: Mở van nước từ téc xuống bơm, mở van nước tuần hoàn về téc, cho bơm quay ở tốc độ khác nhau để kiểm tra trạng thái hoạt động của bơm, đóng van nước tuần hoàn về téc và tăng áp suất đến 10 kg/cm2; kiểm tra ốc, bu lông bắt liền máy bơm với khung xe; kiểm tra các van phun nước, phun bọt hòa không khí, van đóng, mở nước ở téc nước, đồng hồ cao áp, hạ áp, đồng hồ vòng phút bảo đảm hoạt động đúng theo quy định;
c) Kiểm tra vòi hút, đầu nối vòi hút và gioăng, bảo đảm độ kín khi lắp vào bơm và khi lắp các đoạn vòi hút với nhau;
d) Kiểm tra độ lưu thông của hệ thống trộn bọt hòa không khí;
đ) Kiểm tra téc nước chữa cháy, nếu bị gỉ sét phải đánh gỉ và sơn lại.
5. Cho xe chạy một đoạn đường ngắn để kiểm tra hoạt động của xe, hệ thống, thiết bị của xe; nếu phát hiện những hư hỏng phải khắc phục ngay.
6. Đối với các bộ phận của xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy
a) Kiểm tra kết cấu cần trục, các tầng thang, mối hàn trên trục nâng, chân chống thang; kiểm tra, điều chỉnh hoặc thay thế cho thích hợp khối trượt, đỡ và con lăn dẫn của các tầng thang hoặc bộ phận ống lồng;
b) Kiểm tra hoạt động của xích vươn ra trục thang;
c) Kiểm tra, xiết chặt đầu nối trục dẫn động của máy bơm thủy lực; kiểm tra áp lực bơm dầu thủy lực, tình trạng bánh răng bơm, vỏ bơm và điều chỉnh cho thích hợp; kiểm tra, xiết chặt đai ốc ổ đỡ của trục bơm dầu thủy lực;
d) Xe mới sau khi đưa vào sử dụng được 03 tháng phải tiến hành kiểm tra, xiết chặt toàn bộ đai ốc của các thiết bị thủy lực, cơ cấu nâng hạ; xem kỹ mối hàn và kiểm tra sàn và lan can trên giỏ thao tác thang;
đ) Kiểm tra làm sạch cổ góp điện của trục quay thang;
e) Kiểm tra hộp nối và cầu chì, duy trì dây cáp điện của thang có tính liên kết tốt;
g) Kiểm tra chức năng điều chỉnh tự động của động cơ liên kết với bơm thủy lực của thang;
h) Kiểm tra trạng thái khớp nối và cần liên kết của van điều khiển chân chống; kiểm tra tình trạng ngắt bằng tay của van điều khiển điện; kiểm tra trạng thái cố định của cán piston, mối hàn và ổ bi của xi lanh lực;
i) Thay ruột lọc của bộ phận lọc dầu thủy lực sau 12 tháng sử dụng;
k) Mở van từ dưới két dầu thủy lực để tháo nước ngưng tụ;
l) Kiểm tra áp suất làm việc của van điều khiển áp lực mạch chính, mạch xoay, mạch động lực của xe thang; áp suất bơm thủy lực mạch tời, mạch cần cẩu của xe cứu hộ;
m) Kiểm tra trạng thái của đường ống nước xe thang và tiến hành thử áp lực đường ống;
n) Kiểm tra trạng thái của vòi phun nước bảo vệ và van; mức dầu của hộp số giảm tốc.
7. Đối với tàu, xuồng chữa cháy
a) Bảo dưỡng vỏ phương tiện
- Phải đưa lên đà cạo hà, sơn lại đối với phương tiện có vỏ bằng kim loại và vỏ composite hoạt động ở vùng nước mặn 12 tháng/1 lần, hoạt động ở vùng nước lợ 18 tháng/1 lần, hoạt động ở vùng nước ngọt 24 tháng/1 lần.
- Phải đưa lên đà cạo rong, rêu, hà; thui, đốt và sơn lại theo quy định từ mớn nước trở xuống đối với phương tiện có vỏ bằng gỗ hoạt động ở vùng nước mặn 06 tháng/1 lần, hoạt động ở vùng nước lợ 09 tháng/1 lần, hoạt động ở vùng nước ngọt 12 tháng/1 lần.
b) Bảo dưỡng máy
Thực hiện đúng chế độ bảo quản, bảo dưỡng theo hồ sơ, lý lịch và quy định của nhà sản xuất đối với từng loại máy lắp trên phương tiện.
Trên đây là nội dung tư vấn về bảo quản, bảo dưỡng định kỳ phương tiện chữa cháy cơ giới. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 52/2014/TT-BCA.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật