Thủ tục trang bị vũ khí quân dụng cho Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Thủ tục trang bị vũ khí quân dụng cho Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Nguyễn Văn Anh. Tôi đang tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tôi được biết, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao được trang bị các loại vũ khí quân dụng để phục vụ hoạt động. Cho tôi hỏi thủ tục trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng Công an nhân dân được quy định như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Nguyễn Văn Anh (vananh*****@gmail.com)

Thủ tục trang bị vũ khí quân dụng cho Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 có hiệu lực từ ngày 01/07/2018. Cụ thể là:

Thủ tục trang bị vũ khí quân dụng đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:

a) Hồ sơ đề nghị bao gồm: văn bản đề nghị của cơ quan, đơn vị nêu rõ nhu cầu, điều kiện, số lượng, chủng loại, kèm theo văn bản phê duyệt của lãnh đạo Bộ, ngành; bản sao quyết định thành lập cơ quan, đơn vị; giấy giới thiệu kèm theo bản sao thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng minh Công an nhân dân của người đến liên hệ;

b) Hồ sơ quy định tại điểm a khoản này lập thành 01 bộ và nộp tại cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy phép trang bị vũ khí quân dụng và hướng dẫn cơ quan, đơn vị thực hiện việc trang bị; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

d) Giấy phép trang bị vũ khí quân dụng có thời hạn 30 ngày.

Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan điều tra chuyên trách, có thẩm quyền điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Đây là tội phạm đặc biệt cả về chủ thể thực hiện tội phạm, cả về tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, những người phạm tội thuộc lĩnh vực này có thủ đoạn rất tinh vi, tính chất chống đối quyết liệt.

Các đối tượng phạm tội thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân tối cao hầu hết được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, khi phạm tội họ có thể dùng vũ khí, công cụ được trang bị này để chống đối hoạt động điều tra, sẽ rất nguy hiểm cho lực lượng điều tra khi không được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Để đảm bảo sự an toàn khi gặp phải sự chống trả quyết liệt, khó lường của người phạm tội và các đối tượng có liên quan, do đó lực lượng này phải được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ để truy bắt tội phạm, bảo vệ chứng cứ, bảo vệ hiện trường hoặc sự tấn công trong những trường hợp thực sự cần thiết.

Do đó, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao được trang bị súng ngắn và đạn sử dụng cho loại súng này để sử dụng khi cần thiết trong hoạt động điều tra, phòng ngừa, trấn áp tội phạm theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.

Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao có nhu cầu sử dụng vũ khí quân dụng phải chuẩn bị một bộ hồ sơ nộp tại cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định xem xét quyết định cấp Giấy phép trang bị vũ khí quân dụng và hướng dẫn cơ quan, đơn vị thực hiện việc trang bị; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trên đây là nội dung tư vấn về thủ tục trang bị vũ khí quân dụng cho Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo thêm quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Cơ quan điều tra

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào