Việc chuẩn bị xét xử sơ thẩm để giải quyết vụ án hình sự theo thủ tục rút gọn được thực hiện như thế nào?
Trong tố tụng hình sự, thủ tục rút gọn là một trong những thủ tục tố tụng đặc biệt. Khi áp dụng thủ tuc rút gọn sẽ rút ngắn được đáng kể thời hạn điều tra, truy tố và xét xử nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu về xử lý tội phạm, góp phần thiết thực vào cuộc đấu tranh, phòng ngừa tội phạm nói chung. Thủ tục rút gọn đã xác lập cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết nhanh chóng một số lượng lớn các vụ án về tội phạm ít nghiêm trọng, phạm tội quả tang, chứng cứ đơn giản, rõ ràng; rút ngắn điều tra, truy tố xét xử thời gian, góp phần hạn chế lượng án tồn đọng hàng năm tại các cơ quan tiến hành tố tụng ở các địa phương.
Việc chuẩn bị xét xử sơ thẩm để giải quyết vụ án hình sự theo thủ tục rút gọn được quy định tại Điều 462 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:
1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công xét xử ra một trong các quyết định:
a) Đưa vụ án ra xét xử;
b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
c) Tạm đình chỉ vụ án;
d) Đình chỉ vụ án.
2. Trường hợp quyết định đưa vụ án ra xét xử thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án.
3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp; giao cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo; gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về việc chuẩn bị xét xử sơ thẩm để giải quyết vụ án hình sự theo thủ tục rút gọn. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật