Thủ tục xét xử vụ án hình sự đối với pháp nhân được tiến hành như thế nào?
Bộ luật hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Theo đó, một trong những điểm mới nhất của bộ luật là bổ sung thêm pháp nhân thương mại vào phạm vi chủ thể phải chịu trách nhiệm đối với một số tội danh nhất định. Do vậy, khái niệm về tội phạm đã được mở rộng bao gồm cả cá nhân và pháp nhân thương mại phạm tội. Cũng theo đó, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 khi ban hành đã dành riêng một chương quy định về thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân để đảm bảo phù hợp với các quy định của Bộ luật hình sự 2015.
Thủ tục xét xử vụ án hình sự đối với pháp nhân được quy định tại Điều 444 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018).
Việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với pháp nhân phạm tội được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại Phần thứ tư và Phần thứ sáu của Bộ luật này. Phiên tòa xét xử đối với pháp nhân phải có mặt người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp; có mặt bị hại hoặc người đại diện của bị hại.
Như vậy, về cơ bản, thủ tục xét xử vụ án hình sự đối với pháp nhân ở tất cả các giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm là giống với thủ tục xét xử vụ án hình sự của cá nhân. Theo đó, với tính chất đặc thù của pháp nhân, không thể trực tiếp tham gia vào quá trình tố tụng nên phiên tòa xét xử pháp nhân phải do người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đại diện tham gia tố tụng.
Trên đây là nội dung tư vấn về thủ tục xét xử vụ án hình sự đối với pháp nhân. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật