Tòa án nào có quyền xét xử tội phạm mà pháp nhân thực hiện?
Bộ luật hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Theo đó, một trong những điểm mới nhất của bộ luật là bổ sung thêm pháp nhân thương mại vào phạm vi chủ thể phải chịu trách nhiệm đối với một số tội danh nhất định do vậy, khái niệm về tội phạm đã được mở rộng bao gồm cả cá nhân và pháp nhân thương mại phạm tội. Cũng theo đó, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 khi ban hành đã dành riêng một chương quy định về thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân để đảm bảo phù hợp với các quy định của Bộ luật hình sự 2015.
Tòa án có thẩm quyền xét xử đối với tội phạm mà pháp nhân thực hiện được quy định tại Khoản 1 Điều 444 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018).
Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự về các tội phạm do pháp nhân thực hiện là Tòa án nơi pháp nhân thực hiện tội phạm. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi pháp nhân đó có trụ sở chính hoặc nơi có chi nhánh của pháp nhân đó thực hiện tội phạm.
Như vậy, so với quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với chủ thể phạm tội là cá nhân thì thẩm quyền xét xử đối với pháp nhân phạm tội được xác định đơn giản hơn rất nhiều. Theo đó, khi chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là pháp nhân thì chỉ căn cứ vào nơi pháp nhân thực hiện tội phạm để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án, trong khi đó đối với người phạm tội là cá nhân thì để xác định Tòa án có thẩm quyền xét xử phải căn cứ vào các yếu tố khác như theo lãnh thổ, theo tình tiết vụ việc,...
Trên đây là nội dung tư vấn về tòa án có thẩm quyền xét xử đối với tội phạm mà pháp nhân thực hiện. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật