Việc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân trong quá trình tham gia tố tụng hình sự được thực hiện ra sao?
Bộ luật hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Theo đó, một trong những điểm mới nhất của bộ luật là bổ sung thêm pháp nhân thương mại vào phạm vi chủ thể phải chịu trách nhiệm đối với một số tội danh nhất định do vậy, khái niệm về tội phạm đã được mở rộng bao gồm cả cá nhân và pháp nhân thương mại phạm tội. Cũng theo đó, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 khi ban hành đã dành riêng một chương quy định về thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân để đảm bảo phù hợp với các quy định của Bộ luật hình sự 2015.
Mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Pháp nhân phải cử và bảo đảm cho người đại diện theo pháp luật của mình tham gia đầy đủ các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền.
Việc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân trong quá trình tham gia tố tụng hình sự được quy định tại Điều 442 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể:
1. Việc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phải do Điều tra viên, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện tại nơi tiến hành điều tra, tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc tại trụ sở của pháp nhân. Trước khi lấy lời khai, Điều tra viên, cán bộ điều tra phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm lấy lời khai. Khi xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên tham gia việc lấy lời khai.
2. Trước khi tiến hành lấy lời khai lần đầu, Điều tra viên, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải giải thích cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân biết rõ quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 435 của Bộ luật này và phải ghi vào biên bản. Có thể cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tự viết lời khai của mình.
3. Không được lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân vào ban đêm.
4. Kiểm sát viên lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân trong trường hợp người này không thừa nhận hành vi phạm tội của pháp nhân, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết.
Việc Kiểm sát viên lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân cũng được tiến hành theo quy định tại Điều này.
5. Việc lấy lời khai của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Việc lấy lời khai của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của người đại diện, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
6. Biên bản lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân trong quá trình tham gia tố tụng hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật