Thủ tục thu hồi vũ khí đã trang bị cho cá nhân, cơ quan, tổ chức

Thủ tục thu hồi vũ khí đã trang bị cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Trần Ngọc Anh, hiện tại đang là sinh viên tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đang tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến việc trang bị các loại vũ khí cho các lực lượng của quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân. Theo thông tin tôi tìm hiểu thì trong một số trường hợp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét quyết định thu hồi vũ khí đã trang bị cho các lực lượng này. Cho tôi hỏi, trong trường hợp phải thu hồi vũ khí đã trang bị thì phải thực hiện theo trình tự thủ tục như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Trần Ngọc Anh (ngocanh*****@gmail.com)

Thủ tục thu hồi vũ khí đã được trang bị được quy định tại Điều 11 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 có hiệu lực từ ngày 01/07/2018. Cụ thể là:

1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 của Luật này có trách nhiệm lập hồ sơ, làm thủ tục đề nghị thu hồi. Hồ sơ đề nghị bao gồm:

a) Văn bản đề nghị thu hồi;

b) Giấy giới thiệu kèm theo bản sao thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, Chứng minh Công an nhân dân hoặc giấy chứng minh do Quân đội nhân dân cấp của người đến liên hệ.

2. Hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này lập thành 01 bộ và nộp tại cơ quan cấp giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ phải thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

4. Trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không đề nghị thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ thì cơ quan cấp giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ phải kiểm tra, lập biên bản, tổ chức thu hồi và xử lý theo quy định.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Vũ khí đã trang bị cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức phải bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị vũ khí bị giải thể, chuyển đổi, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập;

- Vũ khí không còn nhu cầu sử dụng, hết hạn sử dụng hoặc không còn khả năng sử dụng;

- Cá nhân, cơ quan, tổ chức không thuộc đối tượng được trang bị vũ khí theo quy định cả pháp luật.

Các cá nhân, cơ quan, tổ chức thuộc các trường hợp thu hồi trên đây phải có trách nhiệm lập hồ sơ, làm thủ tục đề nghị thu hồi theo quy định nộp cho cơ quan đã quyết định trang bị vũ khí cho cá nhân, cơ quan, tổ chức để xem xét quyết định thu hồi vũ khí đã trang bị.

Trong trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức không đề nghị thu hồi vũ khí thì cơ quan đã quyết định trang bị vũ khí cho cá nhân, cơ quan, tổ chức phải kiểm tra, lập biên bản, tổ chức thu hồi và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn về thủ tục thu hồi vũ khí đã trang bị cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào