Pháp nhân tham gia tố tụng hình sự bị áp dụng những biện pháp cưỡng chế nào?
Bộ luật hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Theo đó, một trong những điểm mới nhất của bộ luật là bổ sung thêm pháp nhân thương mại vào phạm vi chủ thể phải chịu trách nhiệm đối với một số tội danh nhất định do vậy, khái niệm về tội phạm đã được mở rộng bao gồm cả cá nhân và pháp nhân thương mại phạm tội. Cũng theo đó, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 khi ban hành đã dành riêng một chương quy định về thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân để đảm bảo phù hợp với các quy định của Bộ luật hình sự 2015.
Mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Pháp nhân phải cử và bảo đảm cho người đại diện theo pháp luật của mình tham gia đầy đủ các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền.
Các biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với pháp nhân khi tham gia tố tụng hình sự được quy định tại Khoản 1 Điều 436 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế sau đây đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử:
a) Kê biên tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
b) Phong tỏa tài khoản của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
c) Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
d) Buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án.
Thời hạn áp dụng các biện pháp cưỡng chế nêu trên không được quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử.
Trên đây là nội dung tư vấn về các biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với pháp nhân khi tham gia tố tụng hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật