Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng hình sự như thế nào?
Như chúng ta đã biết, trong nền kinh tế thị trường không ít tổ chức kinh tế - pháp nhân thương mại, vì chạy theo lợi nhuận cục bộ đã có sự thông đồng thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật mang tính chất tội phạm. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế như trốn thuế, kinh doanh trái phép, đầu cơ, buôn lậu hoặc vì lợi ích cục bộ đã không thực hiện các biện pháp mà pháp luật đòi hỏi để bảo vệ môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng. Việc núp bóng dưới danh nghĩa pháp nhân để phạm tội ngày càng tăng, tính chất nguy hiểm ngày càng cao. Các hành vi vi phạm pháp luật mang tính chất tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện trong thời gian qua diễn ra ngày càng tăng như buôn lậu, gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; tội phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, môi trường, tài nguyên,…Thực tiễn áp dụng pháp luật thời gian qua đã cho thấy, cơ chế xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại áp dụng đối với pháp nhân thương mại vi phạm tỏ ra bất cập, kém hiệu quả.
Bộ luật hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Theo đó, một trong những điểm mới nhất của bộ luật là bổ sung thêm pháp nhân thương mại vào phạm vi chủ thể phải chịu trách nhiệm đối với một số tội danh nhất định do vậy, khái niệm về tội phạm đã được mở rộng bao gồm cả cá nhân và pháp nhân thương mại phạm tội. Cũng theo đó, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 khi ban hành đã dành riêng một chương quy định về thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân để đảm bảo phù hợp với các quy định của Bộ luật hình sự 2015.
Vấn đề người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng hình sự được quy định tại Điều 434 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018).Theo đó:
1. Mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Pháp nhân phải cử và bảo đảm cho người đại diện theo pháp luật của mình tham gia đầy đủ các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền.
Trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc không thể tham gia tố tụng được thì pháp nhân phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của mình tham gia tố tụng. Trường hợp pháp nhân thay đổi người đại diện thì pháp nhân phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Tại thời điểm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà pháp nhân không có người đại diện theo pháp luật hoặc có nhiều người cùng là đại diện theo pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định một người đại diện cho pháp nhân tham gia tố tụng.
2. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng họ tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, giới tính, nghề nghiệp, chức vụ của mình. Nếu có sự thay đổi những thông tin này thì người đại diện theo pháp luật phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Như vậy, với tư cách là chủ thể của pháp luật tố tụng hình sự, pháp nhân thông qua người đại diện theo pháp luật có quyền và nghĩa vụ tham gia đầy đủ vào các giai đoạn tố tụng hình sự. Theo đó, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia vào quá trình tố tụng hình sự được quy định những quyền và nghĩa vụ cụ thể tại Điều 435 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Nói cách khác pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ tố tụng như người bị buộc tội. Các quyền và nghĩa vụ tố tụng này được thực hiện thông qua người đại diện.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật