Kinh phí bồi thường của Nhà nước lấy từ đâu?
Theo quy định tại Điều 60 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 (có hiệu lực ngày 01/07/2018) thì:
1. Nhà nước có trách nhiệm bố trí một khoản kinh phí trong ngân sách nhà nước để thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Kinh phí bồi thường bao gồm:
a) Tiền chi trả cho người bị thiệt hại;
b) Chi phí cho việc định giá tài sản, giám định thiệt hại.
2. Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách trung ương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách trung ương.
3. Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách địa phương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách cấp tỉnh.
4. Bộ Tài chính, Sở Tài chính có trách nhiệm cấp phát kịp thời và đầy đủ kinh phí bồi thường.
Như vậy, kinh phí bồi thường được lấy từ ngân sách Nhà nước và nguồn thu của ngân sách Nhà nước chủ yếu là thuế. Về nguyên tắc chung, bất kì việc sử dụng thu, chi ngân sách nhà nước đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước. Toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Ban biên tập xin cung cấp thêm cho bạn một số thông tin về việc chi trả tiền bồi thường. Cụ thể: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 (có hiệu lực ngày 01/07/2018) đã có sự điều chỉnh thời gian theo hướng giảm thời gian thực hiện giữa các bước để giúp cho người bị thiệt hại sớm có thể nhận được tiền bồi thường.
Trên đây là nội dung tư vấn về kinh phí bồi thường. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.
Trân trọng!