Khởi tố vụ án, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với pháp nhân được tiến hành thế nào?
Như chúng ta đã biết, trong nền kinh tế thị trường không ít tổ chức kinh tế - pháp nhân thương mại, vì chạy theo lợi nhuận cục bộ đã có sự thông đồng thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật mang tính chất tội phạm. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế như trốn thuế, kinh doanh trái phép, đầu cơ, buôn lậu hoặc vì lợi ích cục bộ đã không thực hiện các biện pháp mà pháp luật đòi hỏi để bảo vệ môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng. Việc núp bóng dưới danh nghĩa pháp nhân để phạm tội ngày càng tăng, tính chất nguy hiểm ngày càng cao. Các hành vi vi phạm pháp luật mang tính chất tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện trong thời gian qua diễn ra ngày càng tăng như buôn lậu, gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; tội phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, môi trường, tài nguyên,…Thực tiễn áp dụng pháp luật thời gian qua đã cho thấy, cơ chế xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại áp dụng đối với pháp nhân thương mại vi phạm tỏ ra bất cập, kém hiệu quả.
Bộ luật hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Theo đó, một trong những điểm mới nhất của bộ luật là bổ sung thêm pháp nhân thương mại vào phạm vi chủ thể phải chịu trách nhiệm đối với một số tội danh nhất định do vậy, khái niệm về tội phạm đã được mở rộng bao gồm cả cá nhân và pháp nhân thương mại phạm tội. Cũng theo đó, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 khi ban hành đã dành riêng một chương quy định về thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân để đảm bảo phù hợp với các quy định của Bộ luật hình sự 2015.
Việc khởi tố vụ án, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với pháp nhân được quy định tại Điều 432 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018).Theo đó:
1. Khi xác định có dấu hiệu tội phạm do pháp nhân thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại các điều 143, 153 và 154 của Bộ luật này.
2. Căn cứ, trình tự, thủ tục thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự được thực hiện theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
Để có căn cứ khởi tố vụ án đối với pháp nhân, thì cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát phải thông qua các hoạt động kiểm tra, xác minh thu thập chứng cứ, đánh giá sơ bộ để xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm tương ứng với một tội danh đã được quy định trong Bộ luật hình sự xảy ra trên thực tế. Khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với pháp nhân thì không bắt buộc phải chứng minh đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Thông thường, chỉ cần làm rõ khách thể trực tiếp của tội phạm, các dấu hiệu bắt buộc trong mặt khách quan và chủ quan của tội phạm. Vì thế khi xác định có dấu hiệu của tội phạm dù chưa rõ pháp nhân nào thực hiện thì việc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vẫn được tiến hành. Đây là điểm khác biệt lớn nhất so với việc khởi tố vụ án đối với cá nhân.
Còn lại, về cơ bản, trình tự thủ tục khởi tố vụ án, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với pháp nhân được quy định giống với trường hợp cá nhân phạm tội. Tuy nhiên, trong các văn bản tố tụng của mỗi giai đoạn giải quyết vụ án, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ chủ động hoàn thành phần thông tin của pháp nhân cho phù hợp với tình tiết vụ án thay vì trường hợp cá nhân phạm tội.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc khởi tố vụ án, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với pháp nhân. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật