Hình thức phục hồi danh dự theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017

Hình thức phục hồi danh dự được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Như Ngọc, sống tại Tp.HCM. Hiện nay tôi đang làm việc trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Tôi có tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến việc bồi thường của Nhà nước qua các vụ án hình sự mà báo chí đưa tin. Tôi có một thắc mắc nhỏ là việc phục hồi danh dự đối với những người do oan sai gây nên được tiến hành như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. (0905***)  

Theo quy định tại Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 (có hiệu lực ngày 01/07/2018) thì hình thức phục hồi danh dự được tiến hành như sau:

1. Việc phục hồi danh dự đối với người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện bằng các hình thức sau đây:

a) Trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai tại nơi cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhânhoặc tại nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại;

b) Đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.

2. Việc phục hồi danh dự đối với cá nhân là người bị thiệt hại trong trường hợp bị buộc thôi việc trái pháp luật, bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện bằng hình thức đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.

Như vậy, Quyền được phục hồi danh dự là một quyền cơ bản của công dân. Ngay từ Hiến pháp năm 1992 đã quy định “Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh” (Điều 72). Quy định này tiếp tục được Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 30 (Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật) và Điều 31 (Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật). Những quy định trên của Hiến pháp đã được cụ thể vào quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Tuy nhiên, Quy định này vẫn còn hạn chế vì đối tượng được phục hồi danh dự: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành chỉ quy định người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự mới được phục hồi danh dự. Quy định này dẫn đến sự không công bằng giữa người bị thiệt hại trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là trong hoạt động quản lý hành chính đối với trường hợp công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật; người bị áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc trái pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn về hình thức phục hồi danh dự. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.

Trân trọng! 

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào