Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vật liệu nổ

Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vật liệu nổ được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Thùy Linh. Tôi có tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến vật liệu nổ để phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu và học tập. Cho tôi hỏi, trong hoạt động quản lý, sử dụng vật liệu nổ không được thực hiện các hành vi nào? Cụ thể là các loại nào? Tôi có thể tìm hiểu quy định tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Thùy Linh (thuylinh*****@gmail.com)

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 có hiệu lực từ ngày 01/07/2018 thì vật liệu nổ là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ, bao gồm:

- Thuốc nổ là hóa chất hoặc hỗn hợp chất được sản xuất, sử dụng nhằm tạo ra phản ứng nổ dưới tác động của xung kích thích;

- Phụ kiện nổ là kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm, mồi nổ, vật phẩm chứa thuốc nổ có tác dụng tạo xung kích thích ban đầu làm nổ khối thuốc nổ hoặc thiết bị chuyên dùng có chứa thuốc nổ.

Vật liệu nổ được phân thành hai loại: vật liệu nổ quân dụng và vật liệu nổ công nghiệp.

Vì tính chất nguy hiểm của vật liệu nổ nên Nhà nước đặc biệt quan tâm và kiểm soát hoạt động quản lý, sử dụng vật liệu nổ. Do đó, pháp luật bắt buộc trong hoạt động quản lý, sử dụng vật liệu nổ không được thực hiện các hành vi được quy định tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 có hiệu lực từ ngày 01/07/2018. Cụ thể là:

- Cá nhân sở hữu vật liệu nổ quân dụng;

- Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ;

- Mang trái phép vật liệu nổ vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

- Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng vật liệu nổ xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

- Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vật liệu nổ được giao;

- Giao vật liệu nổ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định;

- Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vật liệu nổ.

- Vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy vật liệu nổ không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường;

- Chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vật liệu nổ;

- Chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố phế liệu, phế phẩm vật liệu nổ;

- Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng vật liệu nổ dưới mọi hình thức;

- Che giấu, không tố giác, giúp người khác chế tạo, sản xuất, mang, mua bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại vật liệu nổ;

- Đào bới, tìm kiếm, thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phế liệu, phế phẩm vật liệu nổ;

- Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý vũ khívật liệu nổ; không báo cáo, báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về vật liệu nổ.

Trên đây là nội dung tư vấn về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vật liệu nổ. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm thông tin tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào