Không có tên trong hộ khẩu có được thăm gặp phạm nhân không?

Không có tên trong hộ khẩu có được thăm gặp phạm nhân không? Chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Bạn trai em đang bị tạm giam tại Trại giam Chí Hòa. Em nghe nói không có tên trong hộ khẩu là không có quyền thăm nuôi phạm nhân. Vậy cho em hỏi có cách nào để em được vào thăm bạn trai em không ? Rất mong Ban biên tập tư vấn giúp em. Em xin chân thành cảm ơn. Hồng Vân (van***@gmail.com)

Đối với thắc mắc của bạn, hiện nay các đối tượng được gặp phạm nhân được quy định tại Điều 4 Thông tư 46/2011/TT-BCA quy định việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, quà và liên lạc điện thoại với thân nhân. Cụ thể bao gồm:

1. Những người là thân nhân phạm nhân được thăm gặp phạm nhân gồm: ông, bà nội, ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em ruột; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột.

2. Đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác có đề nghị thăm gặp phạm nhân thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xem xét, giải quyết nếu xét thấy phù hợp với lợi ích chính đáng của phạm nhân và yêu cầu của công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân.

Khi gặp đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác, phạm nhân được nhận thư, tiền mặt, đồ vật (trừ đồ vật thuộc danh mục cấm đưa vào trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ) và được sử dụng theo quy định tại Điều 46 Luật Thi hành án hình sự và quy định tại Thông tư này.

Căn cứ quy định này thì ngoài các đối tượng là người thân trong gia đình, đại diện các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác cũng được pháp luật cho phép được vào thăm gặp phạm nhân theo sự xem xét và đồng ý của Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nếu xét thấy phù hợp với lợi ích chính đáng của phạm nhân và yêu cầu của công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân.

Do vậy, mặc dù bạn không phải thân nhân của phạm nhân, không có tên trong hộ khẩu gia đình phạm nhân, tuy nhiên nếu có nhu cầu vào thăm gặp phạm nhân, bạn có thể làm thủ tục xin phép cơ quan có thẩm quyền nêu trên, nói rõ nguyện vọng chính đáng của bản thân khi gặp phạm nhân để được xem xét vào gặp.

Về thủ tục, bạn có thể tham khảo quy định tại Điều 5 Thông tư 46/2011/TT-BCA. Cụ thể như sau:

1. Thân nhân đến thăm gặp phạm nhân phải là người có tên trong Sổ thăm gặp (trường hợp thăm gặp lần đầu chưa có Sổ thăm gặp thì phải có đơn xin thăm gặp có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập) và phải có một trong những giấy tờ sau (trừ người dưới 16 tuổi): Giấy chứng minh nhân dân; Hộ chiếu; giấy xác nhận là cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân. Trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ tùy thân thì phải có đơn đề nghị có dán ảnh được Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan có thẩm quyền nêu trên xác nhận, đóng dấu vào đơn và đóng dấu giáp lai vào ảnh.

2. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện cấp Sổ thăm gặp phạm nhân theo mẫu thống nhất của Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Sổ thăm gặp phải được Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện ký, đóng dấu và phải được Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập xác nhận danh sách những người là thân nhân của phạm nhân.

3. Thân nhân là vợ (hoặc chồng) của phạm nhân có đủ điều kiện được gặp phạm nhân từ 3 giờ đến 24 giờ tại phòng riêng thì phải có giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã xác nhận tình trạng hôn nhân thực tế, nếu ngủ qua đêm với phạm nhân thì phải có giấy cam kết thực hiện nghiêm chỉnh Nội quy nhà thăm gặp, chịu trách nhiệm quản lý, giám sát phạm nhân trong thời gian thăm gặp, không để phạm nhân vi phạm pháp luật, Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ đồng thời thực hiện kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai trong thời gian chấp hành án phạt tù.

4. Thủ tục thăm gặp phạm nhân là người nước ngoài thực hiện theo quy định tại khoản 5, Điều 46, Luật Thi hành án hình sự.

5. Khi giao tiếp, người đến thăm và phạm nhân phải nói bằng tiếng Việt, trường hợp là người dân tộc ít người và người nước ngoài không biết tiếng Việt, thì phải qua phiên dịch hoặc có cán bộ biết tiếng dân tộc hoặc tiếng nước đó giám sát.

Như vậy, pháp luật hiện hành cho phép cả người thân của phạm nhân và các chủ thể khác được phép vào thăm gặp phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ chứ không chỉ cho phép đối với những người có tên trong sổ hộ khẩu của phạm nhân.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về việc thăm gặp phạm nhân. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 46/2011/TT-BCA.

Chúc bạn sức khỏe và thành đạt!

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Phạm nhân

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào