Cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe bốn bánh có gắn động cơ
Cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe bốn bánh có gắn động cơ được quy định tại Điều 7 Thông tư 86/2014/TT-BGTVT quy định về điều kiện đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành như sau:
Việc cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại Xe (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận) được thực hiện theo trình tự và cách thức như sau:
1. Cơ sở sản xuất lập 01 bộ hồ sơ đăng ký chứng nhận theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này và nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.
2. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đăng ký chứng nhận và xử lý như sau:
a) Nếu thành phần hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn Cơ sở sản xuất hoàn thiện lại trong phạm vi 01 ngày làm việc đối với hồ sơ đăng ký chứng nhận nộp trực tiếp hoặc trong phạm vi 03 ngày làm việc đối với hồ sơ đăng ký chứng nhận nộp qua hệ thống bưu chính.
b) Nếu thành phần hồ sơ đầy đủ theo quy định thì thống nhất với cơ sở sản xuất về thời gian và địa điểm thực hiện đánh giá COP.
3. Trong phạm vi 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện đánh giá COP theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này.
a) Nếu chưa đạt yêu cầu, thông báo để Cơ sở sản xuất hoàn thiện lại ngay khi kết thúc kiểm tra, đánh giá.
b) Nếu đạt yêu cầu thì cấp Giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục IVa ban hành kèm theo Thông tư này trong phạm vi 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, đánh giá.
Theo đó, chứng nhận chất lượng kiểu loại xe là quá trình kiểm tra, thử nghiệm, xem xét, đánh giá và chứng nhận sự phù hợp của một kiểu loại xe với các yêu cầu quy định tại Thông tư này về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Trên đây là nội dung tư vấn về cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe bốn bánh có gắn động cơ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 86/2014/TT-BGTVT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật