Vì sao bệnh nhân phải ký cam kết chịu rủi ro khi phẫu thuật?
“1. Mọi trường hợp phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa đều phải được sự đồng ý của người bệnh hoặc đại diện của người bệnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Người bệnh thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật này, trước khi phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa phải được người đại diện của người bệnh đồng ý bằng văn bản.
3. Trường hợp không thể hỏi ý kiến của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh và nếu không thực hiện phẫu thuật hoặc can thiệp ngoại khoa sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh thì người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định tiến hành phẫu thuật hoặc can thiệp ngoại khoa”.
Đối chiếu với trường hợp của gia đình bạn, nếu đồng ý cho người nhà phẫu thuật thì người phải phẫu thuật hoặc người đại diện của người đó bắt buộc phải ký “Giấy cam đoan chấp nhận phẫu thuật, thủ thuật và gây mê hồi sức sức” theo mẫu 03/BV-01 được ban hành kèm theo Quyết định 4069/2001/QĐ-BYT ngày 28/09/2001 của Bộ Y tế.
Mẫu này chỉ quy định “Sau khi nghe bác sĩ cho biết tình trạng bệnh của tôi/ của người gia đình tôi/ những nguy hiểm của bệnh nếu không thực hiện phẫu thuật, thủ thuật, gây mê hồi sức và những rủi ro có thể xẩy ra do bệnh tật, do khi tiến hành phẫu thuật, thủ thuật, gây mê hồi sức; tôi tự nguyện viết giấy cam đoan này: a) Đồng ý xin phẫu thuật, thủ thuật, gây mê hồi sức và để giấy này làm bằng hoặc b) Không đồng ý phẫu thuật, thủ thuật, gây mê hồi sức và để giấy này làm bằng”. Do đó, nếu bệnh viện yêu cầu gia đình bạn ký giấy cam kết trước khi phẫu thuật với nội dung nêu trên là đúng với quy định của pháp luật.
Về việc khởi kiện bệnh viện khi xảy ra rủi ro sau khi phẫu thuật
Điều 76 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định về trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh như sau:
1. Trường hợp xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh hoặc trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 73 của Luật này, doanh nghiệp bảo hiểm mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã mua bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Luật này thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo quy định của pháp luật.
2. Ngoài việc bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh nhưng đươc hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật khám bệnh, chữa bệnh xác định là đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng vẫn xảy ra tai biến đối với người bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề không phải bồi thường thiệt hại.
Tóm lại, nếu gia đình bạn đã ký “Giấy cam đoan chấp nhận phẫu thuật, thủ thuật và gây mê hồi sức sức” thì giấy này không phải là căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường. Khi xảy ra sự cố, bạn có quyền khởi kiện hoặc yêu cầu bệnh viện bồi thường thiệt hại do tai biến xảy ra sau phẫu thuật đối với bệnh nhân. Tuy nhiên, gia đình bạn cần phải đưa ra chứng cứ chứng minh hoặc căn cứ kết luận của cơ quan có thẩm quyền rằng những rủi ro xảy ra là do sai sót về chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện.
Thư Viện Pháp Luật