Nhiệm vụ của Hội đồng và Tổ Thư ký kiểm tra sát hạch cấp giấy chứng nhận là lương y
Nhiệm vụ của Hội đồng và Tổ Thư ký kiểm tra sát hạch cấp giấy chứng nhận là lương y được quy định tại Điều 17 Thông tư 29/2015/TT-BYT về Quy định cấp, cấp lại Giấy chứng nhận là lương y do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành như sau:
1. Nhiệm vụ của Hội đồng kiểm tra sát hạch:
a) Thẩm định, phê duyệt danh sách trích ngang các trường hợp đủ, danh sách trích ngang các trường hợp không đủ điều kiện dự kiểm tra sát hạch trước khi cấp Giấy chứng nhận là lương y;
b) Tổ chức kiểm tra sát hạch:
- Báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế tỉnh kế hoạch, thời gian, địa điểm tổ chức kiểm tra;
- Tổ chức kiểm tra sát hạch, tổ chức chấm bài theo đúng quy định tại Điều 19 Thông tư này;
c) Phê duyệt kết quả kiểm tra sát hạch lý thuyết và thực hành của từng đối tượng, danh sách các trường hợp đạt yêu cầu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế tỉnh cấp Giấy chứng nhận là lương y theo thẩm quyền.
2. Nhiệm vụ của Tổ Thư ký:
a) Nghiên cứu hồ sơ:
- Phân loại những đối tượng được xem xét cấp Giấy chứng nhận là lương y không phải qua kiểm tra sát hạch và những đối tượng phải đạt kết quả qua kiểm tra sát hạch trước khi cấp Giấy chứng nhận là lương y;
- Lập danh sách trích ngang các trường hợp đủ điều kiện và các trường hợp không đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận là lương y;
- Danh sách trích ngang các trường hợp đủ điều kiện và các trường hợp không đủ điều kiện để dự kiểm tra sát hạch;
b) Thông báo thời gian, địa điểm và số báo danh cho từng người đủ điều kiện tham dự kiểm tra sát hạch;
c) Liên hệ với Bộ Y tế nhận đề kiểm tra lý thuyết, đáp án và có nhiệm vụ bảo mật, không để lộ đề kiểm tra;
d) Chuẩn bị giấy, người bệnh để tổ chức kiểm tra sát hạch lý thuyết và kiểm tra sát hạch thực hành;
đ) Rọc phách, ghép phách bài kiểm tra sát hạch lý thuyết, lên bảng điểm kiểm tra sát hạch lý thuyết và thực hành của từng đối tượng báo cáo Hội đồng kiểm tra sát hạch phê duyệt;
e) Lưu tài liệu liên quan đến hoạt động của Hội đồng kiểm tra sát hạch và các bài thi kiểm tra sát hạch;
g) Gửi danh sách các trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận là lương y xin ý kiến xác nhận đồng ý của Trung ương Hội Đông y Việt Nam hoặc Hội Đông y tỉnh về phạm vi hoạt động chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp theo quy định tại Điều 11 Thông tư này;
h) Lập danh sách đề nghị cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận là lương y cho những đối tượng đủ điều kiện.
Trên đây là nội dung tư vấn về nhiệm vụ của Hội đồng và Tổ Thư ký kiểm tra sát hạch cấp giấy chứng nhận là lương y. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 29/2015/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật