Không tiến hành thủ tục đăng ký website thương mại điện tử bị xử phạt như thế nào?

Chào Ngân hàng Pháp luật! Xin cho em hỏi cty em hoạt động trong lĩnh vực phân bón, có thiết lập website đã hơn 10 năm từ trước tới nay vẫn giữ như vậy không thay đổi. Trên website chỉ đăng quy trình chăm sóc các loại cậy và hình ảnh một số mặt hàng liên quan đến quy trình mà không có bất cứ hoạt động mua bán hay giao kết hợp đồng qua website thì có được coi là website TMĐT không ạ? Nếu cty em không tiến hành thử tục thông báo website TMĐT thì có bị phạt không? Nếu có thì mức phạt bao nhiêu? Trân trọng!

Đối với thắc mắc của bạn, trước hết, cần xác định Website Thương mại điện tử là gì?

Theo đó, căn cứ quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử thì:

Website thương mại điện tử (dưới đây gọi tắt là website) là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.

Như vậy, căn cứ vào quy định này và những thông tin bạn cung cấp: website của công ty bạn đăng quy trình chăm sóc các loại cây và giới thiệu về hình ảnh một số mặt hàng liên quan gọi chung là sản phẩm và dịch vụ của công ty. Qua đó, khách hàng biết về sản phẩm của công ty bạn, có thể không giao dịch trực tiếp qua website nhưng có thể từ đó mà và đặt hàng mua qua điện thoại hoặc đến giao dịch trực tiếp tại công ty, cửa hàng nên website hội đủ điều kiện để được coi là website thương mại điện tử chứ không nhất thiết mọi hoạt động mua bán, giao dịch sản phẩm phải tiến hành qua website mới đáp ứng tiêu chí của một website thương mại điện tử. 

Do vậy, với tư cách chủ sở hữu website bạn có trách nhiệm thực hiện các công việc sau theo quy định tại Điều 27 Nghị định 52/2013/NĐ-CP:

- Thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng;

-Thực hiện đầy đủ việc cung cấp thông tin trên website: người sở hữu website, hàng hóa, dịch vụ (để khách hàng có thể xác định chính xác giá hàng hóa, các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng) và các điều khoản của hợp đồng mua bán áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin này.

- Tuân thủ các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng

- Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử.

- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

Nếu không đăng ký, thông báo sẽ bị xử phạt theo quy định của  về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cụ thể, các hành vi vi phạm quy định về thiết lập website, bị phạt tiền từ 1 đến 30 triệu đồng đối tùy thuộc vào hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 81 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Khoản 32 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP. Theo đó:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không bổ sung hồ sơ thông báo liên quan đến website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng trên nền tảng di động (sau đây gọi là ứng dụng bán hàng) theo quy định;

b) Không bổ sung hồ sơ đăng ký liên quan đến website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trên nền tảng di động (sau đây gọi là ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử) theo quy định;

c) Không thông báo sửa đổi, bổ sung theo quy định khi có sự thay đổi thông tin liên quan đến website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng sau khi đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Không tuân thủ quy định về hình thức, quy cách công bố thông tin trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cung cấp thông tin không đầy đủ hoặc sai lệch khi thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng;

b) Công bố thông tin đăng ký trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử không đúng với nội dung đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thiết lập website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

b) Không thông báo sửa đổi, bổ sung khi có sự thay đổi thông tin liên quan đến website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử mà không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

b) Nhận chuyển nhượng website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử mà không làm thủ tục chuyển nhượng hoặc không tiến hành đăng ký lại với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

c) Triển khai cung cấp dịch vụ thương mại điện tử không đúng với hồ sơ đăng ký;

d) Gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử;

đ) Giả mạo thông tin đăng ký trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử;

e) Tiếp tục hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sau khi chấm dứt hoặc bị hủy bỏ đăng ký.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2, 3 và Điểm a, b, c và d Khoản 4 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thu hồi tên miền “.vn” của website thương mại điện tử hoặc buộc gỡ bỏ ứng dụng di động trên các kho ứng dụng hoặc trên các địa chỉ đã cung cấp đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b, c, đ và e Khoản 4 Điều này.”

Căn cứ theo quy định trên, bạn đăng ký website bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để việc kinh doanh được đúng quy định.

Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ngân hàng Pháp luật đối với thắc mắc của bạn về nghĩa vụ của chủ sở hữu website thương mại điện tử.  Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng xem thêm tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Nghị định 52/2013/NĐ-CP. 

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào