Có được đồng thời thể hiện nhãn hàng hóa dưới hình thức in và dán trực tiếp lên bao bì sản phẩm hay không?
Đối với thắc mắc của bạn, căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa về nhãn hàng hóa thì:
Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa;
Theo quy định này, nhãn hàng hóa của sản phẩm công ty bạn có thể được in hoặc dán trực tiếp trên bao bì, pháp luật cũng không có quy định nào yêu cầu doanh nghiệp chỉ được quyền thể hiện nhãn hàng hóa thông qua hình thức in hay dán.
Do vậy, theo quan điểm của chúng tôi thì bạn hoàn toàn có thể in decal nhãn hàng hóa của sản phẩm để dán lên bao bì giao cho đối tác với điều kiện nhãn hàng hóa được in decal phải hoàn toàn giống với nhãn hàng hóa trước đó doanh nghiệp bạn đã in vì thực chất 2 hình thức khác nhau nhưng cùng thể hiện cho một loại sản phẩm. Tất nhiên, các thông tin về nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa, vị trí, kích thước, màu sắc của chữ, ký hiệu, hình ảnh trên nhãn hàng hóa cũng như ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa doanh nghiệp bạn phải đáp ứng đúng theo quy định pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về ghi nhãn hàng hóa. Nội dung này chỉ có tính chất tham khảo. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng xem thêm tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật