Các chi phí khác được bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017

Các chi phí khác được bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 là gì? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Hoàng Oanh, sống tại Tp.HCM. Hiện nay tôi đang làm việc trong lĩnh vực kinh doanh. Tôi có một thắc mắc nhỏ cần được giải đáp cụ thể là: Ngoài khoản tiền được bồi thường do bị xâm phạm tín mạng, sức khỏe thì các chi phí khác được bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 gồm những gì? Điều luật nào quy định vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. (0905***)  

Theo quy định tại Điều 28 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 (có hiệu lực ngày 01/07/2018) thì Các chi phí khác được bồi thường bao gồm:

1. Các chi phí hợp lý khác được bồi thường bao gồm:

a) Chi phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo; chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại;

b) Chi phí đi lại để thăm gặp của thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án phạt tù trong tố tụng hình sự.

Thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án phạt tù được xác định theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam, pháp luật về thi hành án hình sự.

2. Chi phí quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được xác định như sau:

a) Chi phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu được thanh toán theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp với giá trị được xác định tại thời điểm quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này nhưng tối đa không quá mức quy định của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí đối với cán bộ, công chức; chế độ chi tổ chức hội nghị đối với cơ quan nhà nước.

Trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp đối với các chi phí quy định tại điểm này thì chi phí được bồi thường không quá 06 tháng lương cơ sở tại thời điểm quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này cho 01 năm tính từ thời điểm bắt đầu khiếu nại hoặc tố cáo hoặc tham gia tố tụng cho đến ngày có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền;

b) Chi phí gửi đơn thư đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết được tính theo biên lai cước phí bưu chính với giá trị được xác định tại thời điểm quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này.

Trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được biên lai cước phí đối với các chi phí quy định tại điểm này thì chi phí được bồi thường không quá 01 tháng lương cơ sở tại thời điểm quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này cho 01 năm tính từ thời điểm bắt đầu khiếu nại hoặc tố cáo hoặc tham gia tố tụng cho đến ngày có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền;

c) Chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại được thanh toán theo hợp đồng thực tế nhưng không quá mức thù lao do Chính phủ quy định đối với luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và chỉ thanh toán cho một người bào chữa hoặc một người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại tại một thời điểm.

3. Chi phí quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được xác định theo số người, số lần thăm gặp thực tế nhưng không quá số người, số lần được thăm gặp tối đa theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam, pháp luật về thi hành án hình sự. Trường hợp không chứng minh được số người, số lần thăm gặp thực tế thì chi phí này được xác định theo số người, số lần được thăm gặp tối đa theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam, pháp luật về thi hành án hình sự.

4. Khoảng thời gian làm căn cứ xác định chi phí được bồi thường quy định tại Điều này được tính từ ngày phát sinh thiệt hại thực tế cho đến ngày có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Như vậy, ngoài những khoản bồi thường về vật chất, tinh thần thì các chi phí khác như Cci phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo; chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại... cũng được xem là chi phí hợp lý để được bồi thường. Do vậy, người bị thiệt hại cần xuất trình những giấy tờ chứng minh để được hưởng những chi phí này.

Trên đây là nội dung tư vấn về các chi phí khác được bồi thường. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.

Trân trọng! 

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào