Tài sản công là kết cấu hạ tầng được thanh lý trong trường hợp nào?
Ngày 01/01/2018, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 chính thức có hiệu lực. Theo đó, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.
Đối với vấn đề bạn thắc mắc, Khoản 1 Điều 92 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định tài sản kết cấu hạ tầng được thanh lý trong các trường hợp sau đây:
a) Tài sản kết cấu hạ tầng bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không có hiệu quả;
b) Phá dỡ tài sản kết cấu hạ tầng cũ để đầu tư xây dựng tài sản kết cấu hạ tầng mới theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt;
c) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch làm cho một phần hoặc toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng không sử dụng được theo công năng của tài sản;
d) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn về trường hợp được thanh lý tài sản công là kết cấu hạ tầng. Bạn nên tham khảo chi tiết tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 để hiểu rõ nội dung này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật