Đối tượng nào được trực tiếp khai thác tài sản công là kết cấu hạ tầng?
Ngày 01/01/2018, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 chính thức có hiệu lực. Theo đó, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.
Đối với vấn đề bạn thắc mắc, Điều 81 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng được trực tiếp tổ chức khai thác tài sản trong các trường hợp sau đây:
a) Tài sản kết cấu hạ tầng có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của cơ quan chủ quản quản lý tài sản kết cấu hạ tầng và cơ quan có liên quan;
b) Áp dụng phương thức trực tiếp tổ chức khai thác tài sản hiệu quả hơn hoặc không có tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện phương thức quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều 80 của Luật này.
Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng có trách nhiệm cung cấp dịch vụ liên quan đến tài sản kết cấu hạ tầng, các dịch vụ hỗ trợ kèm theo và tổ chức quản lý vận hành tài sản kết cấu hạ tầng.
Nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng bao gồm: phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí; tiền thu từ giá dịch vụ sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng và khoản thu khác liên quan đến việc cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn về đối tượng được trực tiếp khai thác tài sản công là kết cấu hạ tầng. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 để hiểu rõ nội dung này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật