Ai có quyền yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định hình sự của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao?
Quyền yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định hình sự của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được quy định tại Khoản 1 Điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể là:
Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.
Theo đó: trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Trường hợp Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.
Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó.
Như vậy, đối với các quyết định hình sự của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, khi có căn cứ, quyền yêu cầu xem xét lại thuộc về Ủy ban thường vụ Quốc hội, quyền kiến nghị thuộc về Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, và quyền đề nghị được pháp luật hiện hành trao cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về quyền yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định hình sự của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật