Quyền của người yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 (có hiệu lực ngày 01/07/2018) thì Người yêu cầu bồi thường là người bị thiệt hại có quyền sau đây:
a) Yêu cầu một trong các cơ quan quy định tại khoản 7 Điều 3 của Luật này giải quyết yêu cầu bồi thường và được thông báo kết quả giải quyết yêu cầu bồi thường;
b) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện quyết định, hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính; khiếu nại, kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng;
c) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình theo quy định của pháp luật;
d) Nhờ người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình;
đ) Được cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hướng dẫn thủ tục yêu cầu bồi thường;
e) Ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự cho cá nhân, pháp nhân khác thực hiện quyền yêu cầu bồi thường;
g) Quyền khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, so với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 thì nội dung này có sự mở rộng về quyền của người yêu cầu bồi thường, ngoài những quyền cơ bản như: yêu cầu Nhà nước bồi thường, thực hiện việc khiếu nại, tố cáo quyết định, hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền, kháng cáo... thì theo Luật mới này người bị thiệt hại có quyền nhờ người khác bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình, ủy quyền cho người khác thực hiện quyền yêu cầu bồi thường. Đây là điểm mới tiến bộ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị thiệt hại.
Trên đây là nội dung tư vấn về quyền của người yêu cầu bồi thường. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.
Trân trọng!