Cơ quan nào có nghĩa vụ xác minh những tình tiết mới của vụ án hình sự để tiến hành kháng nghị theo thủ tục tái thẩm?
Trong tố tụng hình sự, tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó.
Về bản chất, tái thẩm không được coi là một cấp xét xử mà là một thủ tục tố tụng đặc biệt theo đó bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật được xem xét lại trên cơ sở có kháng nghị của người có thẩm quyền khi phát hiện có những tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định của Tòa án trước đó.
Cơ quan có nghĩa vụ xác minh những tình tiết mới của vụ án hình sự để tiến hành kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được quy định tại Khoản 2 Điều 399 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:
Viện kiểm sát phải xác minh những tình tiết mới; khi xét thấy cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm yêu cầu Cơ quan điều tra có thẩm quyền xác minh tình tiết mới của vụ án và chuyển kết quả xác minh cho Viện kiểm sát.
Như vậy, theo quy định trên đây thì về nguyên tắc, Viện kiểm sát là cơ quan có trách nhiệm phải tiến hành xác minh tình tiết mới của vụ án để thực hiện việc kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Tuy nhiên, trường hợp cần thiết, Cơ quan điều tra cũng có thể tiến hành xác minh tình tiết mới theo yêu cầu của Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về cơ quan có nghĩa vụ xác minh những tình tiết mới của vụ án hình sự để tiến hành kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật