Phiên tòa giám đốc thẩm vụ án hình sự được chuẩn bị như thế nào?

Việc chuẩn bị cho phiên tòa giám đốc thẩm vụ án hình sự được quy định ra sao? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi là phóng viên báo Sài Gòn giải phóng. Hiện tại, tôi đang thu thập thông tin để hoàn thành chuyên đề về các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án hình sự. Qua đó, tôi được biết, theo quy định pháp luật hiện hành, bản án, quyết định hình sự của Tòa án khi đã có hiệu lực thi hành trên thực tế vẫn có thể bị xem xét lại theo kháng nghị bởi thủ tục giám đốc thẩm. Vậy không biết, pháp luật hiện hành quy định như thế nào đối với công tác chuẩn bị cho phiên tòa giám đốc thẩm? Nội dung này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong nhận được phản hồi từ Quý Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Trần Nhật Linh (linh***@gmail.com)

Việc chuẩn bị cho phiên tòa giám đốc thẩm vụ án hình sự được quy định tại Điều 384 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:

Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán là thành viên Hội đồng giám đốc thẩm làm bản thuyết trình về vụ án. Bản thuyết trình tóm tắt nội dung vụ án và các bản án, quyết định của các cấp Tòa án, nội dung của kháng nghị.

Bản thuyết trình và các tài liệu có liên quan phải gửi cho các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm chậm nhất là 07 ngày trước ngày mở phiên tòa giám đốc thẩm.

Liên quan đến vấn đề này, để bạn nắm rõ hơn, Ban biên tập xin gửi đến bạn một số thông tin như sau:

Theo quy định pháp luật hiện hành, phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm; nếu họ vắng mặt thì phiên tòa giám đốc thẩm vẫn được tiến hành.

Về thời hạn mở phiên tòa, trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa.

Về phạm vi giám đốc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm phải xem xét toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị.

Đối với thủ tục tại phiên tòa, sau khi chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa, một thành viên Hội đồng giám đốc thẩm trình bày bản thuyết trình về vụ án. Các thành viên khác của Hội đồng giám đốc thẩm hỏi thêm Thẩm phán thuyết trình về những điểm chưa rõ trước khi thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì Kiểm sát viên trình bày nội dung kháng nghị.

Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu.

Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.

Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên tòa giám đốc thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án. Chủ tọa phiên tòa phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng trước Tòa án.

Các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm phát biểu ý kiến của mình và thảo luận. Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố quyết định về việc giải quyết vụ án.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về việc chuẩn bị cho phiên tòa giám đốc thẩm vụ án hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào