Trách nhiệm của người sử dụng lao động về tai nạn lao động hàng hải
Khái niệm về người sử dụng lao động trong lĩnh vực hàng hải được pháp luật đuy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư 13/2017/TT-BLĐTBXH; như sau:
Người sử dụng lao động được hiểu là tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác tàu biển; tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp thuyền viên; hoặc người được tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác tàu biển, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp thuyền viên ủy quyền trực tiếp quản lý thuyền viên.
Trách nhiệm của người sử dụng lao động về tai nạn lao động hàng hải được pháp luật quy định tại Điều 12 Thông tư 13/2017/TT-BLĐTBXH quy định về khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động hàng hải do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành như sau:
1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu người bị nạn.
2. Khai báo tai nạn lao động theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này.
3. Giữ nguyên hiện trường những vụ tai nạn chết người, tai nạn nặng theo nguyên tắc sau:
a) Trường hợp phải cấp cứu người bị nạn, ngăn chặn những rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra cho người khác mà làm xáo trộn hiện trường thì cơ sở phải vẽ lại sơ đồ hiện trường, lập biên bản, chụp ảnh, quay phim hiện trường (nếu có thể);
b) Chỉ được xóa bỏ hiện trường sau khi đã hoàn thành các bước điều tra theo quy định của Thông tư này và được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan Công an hoặc Đoàn điều tra tai nạn lao động.
4. Cung cấp ngay tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn theo yêu cầu của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tài liệu, đồ vật, phương tiện đó.
5. Tạo điều kiện cho người có liên quan đến vụ tai nạn cung cấp thông tin cho Đoàn điều tra tai nạn lao động khi được yêu cầu.
6. Tổ chức điều tra các vụ tai nạn lao động theo quy định tại khoản 1, Điều 8 của Thông tư này.
7. Thông báo đầy đủ thông tin liên quan về tai nạn lao động tới tất cả người lao động thuộc cơ sở của mình.
8. Thanh toán các khoản chi phí phục vụ cho việc điều tra tai nạn lao động kể cả việc điều tra lại tai nạn lao động, bao gồm:
a) Dựng lại hiện trường;
b) Chụp, in, phóng ảnh hiện trường và nạn nhân;
c) Trưng cầu giám định kỹ thuật, giám định pháp y (khi cần thiết);
d) Khám nghiệm tử thi;
đ) In ấn các tài liệu liên quan đến vụ tai nạn lao động;
e) Phương tiện đi lại phục vụ cho việc điều tra tai nạn lao động;
g) Tổ chức cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động;
h) Các khoản chi phí nêu trên được hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên, chi phí sản xuất kinh doanh của cơ sở và là chi phí hợp lý khi tính thuế, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ sở, theo quy định hiện hành của pháp luật về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
9. Thực hiện các biện pháp khắc phục và giải quyết hậu quả do tai nạn lao động gây ra; tổ chức rút kinh nghiệm; thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị ghi trong Biên bản điều tra tai nạn lao động; xử lý theo thẩm quyền những người có lỗi để xảy ra tai nạn lao động.
Trên đây là nội dung câu trả lời về trách nhiệm của người sử dụng lao động về tai nạn lao động hàng hải. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 13/2017/TT-BLĐTBXH.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật