Cơ quan giải quyết bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 (có hiệu lực ngày 01/072018) thì:
Cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật về tố tụng.
Như vậy, theo quy định này thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại là cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường. Quy định theo hướng này sẽ nâng cao trách nhiệm công vụ của cơ quan tiến hành tố tụng trong thực thi pháp luật.
Ngoài nội dung nêu trên, Ban biên tập xin cung cấp thêm cho bạn một số nội dung về thực tiễn liên quan đến cơ quan giải quyết bồi thường, vấn đề giải quyết bồi thường, cụ thể:
Qua số liệu về tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường trong một số lĩnh vực, số lượng vụ việc yêu cầu bồi thường và số tiền giải quyết bồi thường trong lĩnh vực tố tụng hình sự chiếm tỷ lệ lớn hơn so với lĩnh vực quản lý hành chính và thi hành án. Và hầu hết những vụ việc yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự thường là những vụ việc phức tạp, kéo dài và gặp nhiều vướng mắc trong quá trình giải quyết.
Vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giải quyết bồi thường giữa các cơ quan tố tụng, làm cho vụ việc chậm được thụ lý và việc giải quyết bị kéo dài vượt quá thời hạn theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Việc chi trả tiền bồi thường kể từ khi ra quyết định giải quyết bồi thường đến lúc người bị thiệt hại được chi trả thường kéo dài.
Trên đây là nội dung tư vấn về cơ quan giải quyết bồi thường. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.
Trân trọng!