Nguyên tắc khi sử dụng tài sản công tại tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp vào mục đích kinh doanh

Sử dụng tài sản công tại tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp vào mục đích kinh doanh phải tuân thủ nguyên tắc nào? Xin chào các chuyên gia của Ngân hàng Hỏi - đáp pháp luật, tôi tên là Thanh Loan, hiện tại đang làm công tác tại Hội phụ nữ Quận 3, TP. HCM, có vấn đề thắc mắc muốn nhờ các chuyên gia tư vấn. Hiện tại, để có thêm nguồn thu cho hội, mọi người quyết định sử dụng trụ sở của Hội để cho chị em buôn bán trong thời gian không có hoạt động, hội họp. Tôi muốn hỏi, nguyên tắc khi sử dụng tài sản công tại tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp vào mục đích kinh doanh được quy định thế nào? Mong các chuyên gia tư vấn giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn! (thanhloan***@gmail.com) 

Ngày 01/01/2018, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 chính thức có hiệu lực. Theo đó, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.

Đối với vấn đề bạn thắc mắc, Khoản 2 Điều 69 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định nguyên tắc khi sử dụng tài sản công tại tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp vào mục đích kinh doanh như sau:

Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp sử dụng tài sản công được giao vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định;

b) Được cơ quan, người có thẩm quyền theo phân cấp của Chính phủ phê duyệt đề án;

c) Sử dụng tài sản đúng mục đích đầu tư xây dựng, mua sắm; không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Điều lệ của tổ chức;

d) Không làm mất quyền sở hữu tài sản công; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao;

đ) Phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản;

e) Tính đủ và nộp toàn bộ số tiền khấu hao tài sản cố định vào ngân sách nhà nước, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước theo quy định của pháp luật;

g) Thực hiện theo cơ chế thị trường và tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan.

Trên đây là nội dung tư vấn về nguyên tắc khi sử dụng tài sản công tại tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp vào mục đích kinh doanh. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 để hiểu rõ nội dung này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào