Ai có quyền tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định hình sự bị kháng nghị giám đốc thẩm?
Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Theo quy định pháp luật, bản chất của Giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử mà là một trình tự tố tụng đặc biệt, nhiệm vụ xét lại các bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật vì phát hiện có vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án nhằm đảm bảo cho vụ án được giải quyết khách quan và chính xác.
Đối tượng được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm là bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật (chưa hoặc đang thi hành) nhưng phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Trường hợp có vi phạm pháp luật trong quá trình xử lý vụ án nhưng vi phạm đó chưa đến mức nghiêm trọng sẽ không được kháng nghị để xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.
Thẩm quyền tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định hình sự bị kháng nghị giám đốc thẩm được quy định tại Điều 377 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:
Người ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó.
Quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định bị kháng nghị giám đốc thẩm phải gửi cho Tòa án, Viện kiểm sát nơi đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và cơ quan thi hành án có thẩm quyền.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về thẩm quyền tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định hình sự bị kháng nghị giám đốc thẩm. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật