Khi nào thì bản án, quyết định hình sự bị kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm?

Căn cứ để bản án, quyết định hình sự bị kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm được quy định thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng trong lĩnh vực du lịch. Thời gian gần đây, tôi thấy dư luận quan tâm nhiều đến diễn biến của hoạt động xét xử một số vụ án hình sự nổi bật nên muốn tìm hiểu thêm về lĩnh vực này. Tôi thấy một vài tài liệu đề cập đến hoạt động giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự. Tôi thắc mắc vậy việc kháng nghị bản án, quyết định hình sự của Tòa án theo thủ tục Giám đốc thẩm dựa trên những căn cứ nào? Vấn đề này tôi có thể xem thêm tại đâu? Rất mong nhận được hỗ trợ từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Hồ Minh Vân (van***@gmail.com)

Như chúng ta đã biết, trong Tố tụng hình sự, Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Căn cứ để bản án, quyết định hình sự bị kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm được quy định tại Điều 371 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ:

1. Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;

2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án;

3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Liên quan đến nội dung này, để bạn nắm rõ hơn vấn đề, Ban biên tập xin gửi đến bạn một số thông tin như sau:

Theo quy định pháp luật hiện hành, những chủ thể sau có quyền kháng nghị bản án, quyết định hình sự theo thủ tục Giám đốc thẩm: 

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

- Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực.

- Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về căn cứ để bản án, quyết định hình sự bị kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào