Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành được thực hiện như thế nào?

Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành được quy định ra sao? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang công tác tại UBND quận Ba Đình, Hà Nội. Thời gian gần đây, do nhu cầu công việc, tôi có tìm hiểu thêm về hoạt động xét xử các vụ án hình sự của Tòa án. Tuy nhiên, một vài vấn đề tôi chưa nắm rõ mong được Ban biên tập giải đáp. Theo tôi thấy, việc ra phán quyết cho bị cáo với mức án tử hình, Hội đồng xét xử tại các phiên tòa đề phải cân nhắc, xem xét rất kỹ càng và trước khi việc thi hành, bản án tử hình cũng được xem xét lại để đảm bảo sự thận trọng tuyệt đối trong việc lấy đi mạng sống của bị cáo. Vậy thủ tục xem xét lại bản án tử hình trước khi thi hành được thực hiện ra sao? Nội dung này được điều chỉnh bởi văn bản nào? Rất mong nhận được hỗ trợ từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Trần Mạnh Quân (quan***@gmail.com)

Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành được quy định tại Khoản 1 Điều 367 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:

a) Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và bản án phải được gửi ngay cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

b) Sau khi đã xem xét hồ sơ vụ án để quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, Tòa án nhân dân tối cao phải chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tối cao;

c) Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm;

d) Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước;

đ) Bản án tử hình được thi hành nếu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.

Trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm Tòa án nhân dân tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì Tòa án nhân dân tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình;

e) Trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.

2. Khi có căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật hình sự thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án tử hình và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.

Xuất phát từ quyền được sống là một trong những quyền quan trọng nhất của công dân được ghi nhận tại Hiến pháp nên dù trong hoàn cảnh nào ngay cả trường hợp công dân vi phạm pháp luật thì việc tước đi mạng sống của một người cũng phải xem xét, quyết định theo những trình tự, thủ tục hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt. Vì vậy, việc quy định thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành là hoàn hợp lý và cần thiết.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Trình tự thi hành án tử hình

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào