Trách nhiệm của chủ phương tiện thủy nội địa được quy định như thế nào?
Trách nhiệm của chủ phương tiện thủy nội địa được quy định tại Điều 5 Thông tư 47/2015/TT-BGTVT quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành và điều này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 04/2017/TT-BGTVT như sau:
- Lập sổ danh bạ thuyền viên theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, trang bị sổ nhật ký phương tiện đối với phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần từ 300 tấn trở lên hoặc phương tiện chở khách có sức chở từ 50 khách trở lên.
- Bố trí đủ số lượng và đúng tiêu chuẩn chức danh thuyền viên làm việc trên phương tiện, phù hợp với số ca làm việc trong ngày.
- Ngoài những chức danh thuyền viên đã được quy định trong định biên an toàn tối thiểu tại Điều 19 của Thông tư này, trong trường hợp cần thiết, chủ phương tiện được bố trí thêm thuyền viên hoặc các chức danh khác như: y tá, điện báo viên, thợ lặn, thợ cuốc, thợ hút, thợ kích kéo, nhân viên phục vụ nhằm đảm bảo yêu cầu công việc.
- Quy định phạm vi trách nhiệm của các chức danh khác làm việc trên phương tiện chưa có trong định biên an toàn tối thiểu quy định tại Thông tư này.
- Đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động cho thuyền viên và các chức danh khác làm việc trên phương tiện.
Theo đó, chủ phương tiện thủy nội địa là chủ tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thủy nội địa.
Trên đây là nội dung tư vấn về trách nhiệm của chủ phương tiện thủy nội địa. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 47/2015/TT-BGTVT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật