Sử dụng chữ ký số và mã xác thực giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH được pháp luật quy định như thế nào?
Mã xác thực giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội được pháp luật định nghĩa tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định 166/2016/NĐ-CP:
Mã xác thực giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội là mật khẩu dùng một lần cho từng lần giao dịch được sử dụng đối với cá nhân tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội chưa có chứng thư số. Mật khẩu này được gửi từ Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến số điện thoại di động hoặc địa chỉ thư điện tử của cá nhân đã đăng ký với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Sử dụng chữ ký số và mã xác thực giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH được pháp luật quy định tại Điều 4 Quyết định 838/QĐ-BHXH năm 2017 Quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành như sau:
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH phải có chứng thư số có hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp theo quy định của pháp luật. Trường hợp cá nhân thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH nhưng chưa được cấp chứng thư số thì được sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử do BHXH Việt Nam cấp.
2. Việc sử dụng chữ ký số và mã xác thực giao dịch điện tử quy định tại văn bản này gọi chung là ký điện tử.
Trên đây là nội dung câu trả lời của Ban biên tập về việc sử dụng chữ ký số và mã xác thực giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 838/QĐ-BHXH năm 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật