Việc hỏi bị cáo tại phiên tòa hình sự được tiến hành như thế nào?
Việc hỏi bị cáo tại phiên tòa hình sự được quy định tại Điều 309 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:
1. Chủ tọa phiên tòa phải quyết định hỏi riêng từng bị cáo. Nếu lời khai của bị cáo này có thể ảnh hưởng đến lời khai của bị cáo khác thì chủ tọa phiên tòa phải cách ly họ. Bị cáo bị cách ly được thông báo lại nội dung lời khai của bị cáo trước và có quyền đặt câu hỏi đối với bị cáo đó.
2. Bị cáo trình bày ý kiến về bản cáo trạng và những tình tiết của vụ án. Hội đồng xét xử hỏi thêm về những điểm mà bị cáo trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn.
Kiểm sát viên hỏi bị cáo về những chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội và những tình tiết khác của vụ án.
Người bào chữa hỏi bị cáo về những chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa và tình tiết khác của vụ án.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hỏi bị cáo về những tình tiết liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự.
Những người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền đề nghị chủ toạ phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết liên quan đến họ.
3. Nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án.
Khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý, bị cáo được đặt câu hỏi với bị cáo khác về các vấn đề có liên quan đến bị cáo.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về việc hỏi bị cáo tại phiên tòa hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật