Người làm chứng phải cam đoan như thế nào tại phiên tòa hình sự?
Vấn đề cam đoan của người làm chứng tại phiên tòa hình sự được quy định tại Điều 304 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:
1. Sau khi giải thích quyền và nghĩa vụ cho người làm chứng, chủ tọa phiên tòa yêu cầu người làm chứng phải cam đoan khai trung thực.
2. Trước khi người làm chứng được hỏi về vụ án, chủ tọa phiên tòa quyết định biện pháp để cho những người làm chứng không nghe được lời khai của nhau hoặc tiếp xúc với những người có liên quan. Trường hợp lời khai của bị cáo và người làm chứng có ảnh hưởng lẫn nhau thì chủ tọa phiên tòa phải quyết định cách ly bị cáo với người làm chứng trước khi hỏi người làm chứng.
Như vậy, khi tham gia phiên tòa hình sự với tư cách người làm chứng, là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng, yêu cầu duy nhất đối với việc cam đoan của người làm chứng là phải đảm bảo tính trung thực tuyệt đối trong lời khai của mình về những gì mình biết được liên quan đến vụ án. Quy định này là hoàn toàn hợp lý và cần thiết bởi lời khai của người làm chứng có thể được xem là một trong những chứng cứ quan trọng để Hội đồng xét xử căn cứ vào đó, tiến hành nhận định và đưa ra phán quyết. Do vậy, nếu lời khai của họ không đảm bảo tính chính xác sẽ khiến cho nội dung tình tiết vụ án đi lệch hướng so với sự thật, ảnh hưởng và có khả năng gây hậu quả không nhỏ đối với quá trình xét xử và kết quả vụ án.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về vấn đề cam đoan của người làm chứng tại phiên tòa hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật