Người phiên dịch, người dịch thuật vắng mặt phiên tòa hình sự có được xét xử?
Theo quy định pháp luật hiện hành, người phiên dịch, người dịch thuật là người có khả năng phiên dịch, dịch thuật và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt hoặc có tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt.
Sự có mặt của người phiên dịch, người dịch thuật tại phiên tòa được quy định tại Điều 295 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:
1. Người phiên dịch, người dịch thuật tham gia phiên tòa khi được Tòa án triệu tập.
2. Trường hợp người phiên dịch, người dịch thuật vắng mặt mà không có người khác thay thế thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa.
Như vậy, về nguyên tắc, một trong những nghĩa vụ của người phiên dịch, người dịch thuật là phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Do đặc thù của lĩnh vực phiên dịch, dịch thuật, việc xét xử vụ án không thể tiến hành và nếu có tiến hành cũng sẽ gặp khó khăn, không đảm bảo tính chính xác trong trường hợp người tham gia tố tụng là người nước ngoài hoặc người dân tộc thiểu số không biết tiếng Việt, vì vậy, đối với sự vắng mặt của người phiên dịch, người dịch thuật tại phiên tòa, bắt buộc phải có người đáp ứng đủ tiêu chuẩn để thay thế. Nếu không có người thay thế thì phiên tòa sẽ bị hoãn theo thủ tục luật định.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về trường hợp vắng mặt người phiên dịch, người dịch thuật tại phiên tòa hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật