Hoạt động phiên dịch tại phiên tòa hình sự diễn ra như thế nào?
Hoạt động phiên dịch tại phiên tòa hình sự được quy định tại Điều 263 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:
1. Trường hợp bị cáo, bị hại, đương sự, người làm chứng không biết tiếng Việt, là người câm, người điếc thì người phiên dịch phải dịch cho họ nghe, hiểu lời trình bày, các câu hỏi, câu trả lời tại phiên tòa, nội dung quyết định của Hội đồng xét xử và các vấn đề khác có liên quan đến họ.
2. Người phiên dịch phải dịch lời trình bày, câu hỏi, câu trả lời của những người quy định tại khoản 1 Điều này ra tiếng Việt cho Hội đồng xét xử và người khác tham gia phiên tòa cùng nghe.
Như chúng ta đã biết, hiện nay, tình hình tội phạm diễn biến hết sức phức tạp, thủ đoạn ngày một tinh vi, thành phần chủ thể thực hiện tội phạm cũng ngày càng đa dạng hơn. Các tội phạm trong thời gian gần đây không chỉ đơn thuần do người Việt thực hiện mà còn có sự xuất hiện của người nước ngoài hoặc nếu là người Việt thì nhiều trường hợp bị can, bị cáo cũng là người dân tộc thiểu số không thể đọc, hiểu, giao tiếp bằng tiếng Việt. Cho nên việc pháp luật hiện hành quy định sự tham gia của người phiên dịch vào quá trình giải quyết vụ án hình sự trong một số trường hợp là rất hợp lý và cần thiết.
Trên đây là nội dung tư vấn về hoạt động phiên dịch tại phiên tòa hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật