Ai có thẩm quyền ký tên vào biên bản phiên tòa hình sự?
Đối với thắc mắc của bạn, căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 258 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) thì:
Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, chủ tọa phiên tòa phải kiểm tra biên bản và cùng với Thư ký Tòa án ký vào biên bản đó.
Như vậy, pháp luật hiện hành trao thẩm quyền ký tên vào biên bản phiên tòa hình sự cho Thư ký Tòa án và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.
Liên quan đến vấn đề này, để bạn nắm rõ hơn, chúng tôi xin cung cấp thêm một số thông tin như sau:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, về mặt nội dung, biên bản phiên tòa phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa và mọi diễn biến tại phiên tòa từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên tòa. Cùng với việc ghi biên bản, có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh về diễn biến phiên tòa. Các câu hỏi, câu trả lời, lời trình bày và quyết định tại phiên tòa đều được ghi vào biên bản.
Sau khi chủ tọa phiên tòa và Thư ký Tòa án ký vào biên bản phiên tòa, Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hoặc đại diện của những người đó được xem biên bản phiên tòa. Nếu có người yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa thì Thư ký Tòa án phải ghi sửa đổi, bổ sung đó vào biên bản phiên tòa. Không được tẩy xóa, sửa chữa trực tiếp mà phải ghi sửa đổi, bổ sung tiếp vào cuối biên bản phiên tòa và cùng chủ tọa phiên tòa ký xác nhận; nếu chủ tọa phiên tòa không chấp nhận yêu cầu thì phải nêu rõ lý do và ghi vào biên bản phiên tòa.
Trên đây là nội dung tư vấn về thẩm quyền ký tên vào biên bản phiên tòa hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật