Trách nhiệm lập rà soát quy hoạch thủy lợi
Trách nhiệm lập rà soát quy hoạch thủy lợi được quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật Thủy lợi 2017 có hiệu lực ngày 01/07/2018, theo đó:
Trách nhiệm lập, rà soát quy hoạch thủy lợi được quy định như sau:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập, rà soát quy hoạch thủy lợi toàn quốc, vùng, lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi liên quan từ hai tỉnh trở lên, hệ thống công trình thủy lợi lớn, có tính chất phức tạp trong phạm vi tỉnh;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập, rà soát quy hoạch thủy lợi trên địa bàn, trừ quy hoạch quy định tại điểm a khoản này.
Ngoài ra liên quan tới vấn đề này chúng tôi gửi đến bạn những thông tin sau:
Theo số liệu thống kê đánh giá chưa đầy đủ, các công trình thủy lợi đang được khai thác gồm: 5.656 hồ chứa; 8.512 đập dâng; 5.194 trạm bơm điện, cống tưới tiêu các loại; 10.698 các công trình khác và trên 23.000 bờ bao ngăn lũ đầu vụ hè thu ở Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với hàng vạn km kênh mương và công trình trên kênh.
Tuy các hệ thống thủy lợi đã phát huy hiệu quả phục vụ dân sinh, kinh tế nhưng trong quá trình quản lý vẫn còn một số tồn tại:
- Đầu tư xây dựng không đồng bộ từ đầu mối đến kênh mương nội đồng
- Năng lực phục vụ của các hệ thống đạt bình quân 60% so với năng lực thiết kế. Hiệu quả phục vụ chưa cao, chất lượng việc cấp thoát nước chưa chủ động và chưa đáp ứng được so với yêu cầu của sản xuất và đời sống.
- Nhiều cơ chế, chính sách quản lý khai thác hệ thống thủy lợi còn bất cập, không đồng bộ, nhất là cơ chế chính sách về tổ chức quản lý,cơ chế tài chính.
- Tổ chức quản lý các hệ thống chưa đồng bộ và cụ thể, đặc biệt quản lý các hệ thống thủy lợi nhỏ. Việc phân cấp tổ chức, quản lý ở nhiều địa phương còn chưa rõ ràng.
Trên đây là tư vấn về trách nhiệm lập rà soát quy hoạch thủy lợi. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Luật Thủy lợi 2017. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chào thân ái và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật