Xử phạt hành vi cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật quá cảnh và vận chuyển nội địa
Xử phạt hành vi cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật quá cảnh và vận chuyển nội địa được quy định tại Điểm d Khoản 1 và Điểm a Khoản 4 Điều 30 Nghị định 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật như sau:
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung các loại giấy tờ sau:
d) Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu, Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa;
…
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi các loại giấy tờ, hồ sơ đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này;
Liên quan đến nội dung trên, Ban biên tập thông tin thêm đến bạn về hồ sơ và trình tự thủ tục kiểm dịch thực vật quá cảnh và vận chuyển nội địa được quy định tại Chương IV Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT như sau:
Điều 11. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật quá cảnh
1. Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật (theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này).
2. Bản sao chụp hoặc bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do nước xuất khẩu cấp.
Trường hợp chủ vật thể nộp bản sao chụp thì phải nộp bản chính trước khi được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa cho lô vật thể.
3. Bản chính hoặc bản sao chứng thực Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu.
Điều 12. Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật quá cảnh
1. Đăng ký kiểm dịch thực vật
Chủ vật thể nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu tại cơ quan kiểm dịch thực vật.
2. Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ
Cơ quan kiểm dịch thực vật có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra ngay tính hợp lệ của hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư này.
3. Kiểm tra vật thể
Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định địa điểm và bố trí công chức kiểm tra ngay lô vật thể theo trình tự sau đây:
a) Kiểm tra sơ bộ
Kiểm tra bên ngoài lô vật thể, bao bì đóng gói, phương tiện chuyên chở, khe, kẽ và những nơi sinh vật gây hại có thể ẩn nấp; thu thập côn trùng bay, bò hoặc bám bên ngoài lô vật thể.
b) Kiểm tra chi tiết
Kiểm tra tình trạng bao gói và độ nguyên vẹn của lô hàng; Phân tích giám định mẫu vật thể, sinh vật gây hại đã thu thập được.
Trường hợp tình trạng bao gói của lô vật thể không đảm bảo thì chủ vật thể phải bao gói lại.
4. Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật
a) Cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa cho lô vật thể trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch đối với lô vật thể đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật quá cảnh.
b) Trường hợp phát hiện lô vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ thì cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định áp dụng các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật phù hợp theo quy định.
Như vậy, nếu tổ chức, cá nhân cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật quá cảnh và vận chuyển nội địa thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Đồng thời, sẽ bị buộc thu hồi các loại giấy tờ, hồ sơ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đó.
Trên đây là nội dung tư vấn về xử phạt hành vi cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật quá cảnh và vận chuyển nội địa. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 31/2016/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật