Thanh toán kinh phí cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải được pháp luật quy định như thế nào?
Thanh toán kinh phí cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải được pháp luật quy định tại Khoản 4 Điều 12 Thông tư 14/2017/TT-BTC hướng dẫn quản lý, sử dụng phí bảo đảm hàng hải thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước và cơ chế tài chính trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, như sau:
a) Định kỳ hoặc sau khi nghiệm thu cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện thanh toán giá trị khối lượng hoàn thành cho Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải và các đơn vị cung ứng dịch vụ theo quy định.
b) Hồ sơ thanh toán được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02/10/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát, thanh, toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước và Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 01/03/2016 sửa đổi Thông tư số 161/2012/TT-BTC, cụ thể như sau:
- Quyết định phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước của Bộ Giao thông vận tải cho Cục Hàng hải Việt Nam;
- Hợp đồng cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải giữa Cục Hàng hải Việt Nam với các đơn vị cung ứng dịch vụ;
- Biên bản nghiệm thu xác nhận khối lượng, chất lượng hoàn thành;
- Giấy đề nghị thanh toán, tạm ứng (nếu có);
- Giấy rút dự toán ngân sách nhà nước (thực chi) của Cục Hàng hải Việt Nam.
Như vậy, Kho bạc Nhà nước nơi Cục Hàng hải Việt Nam giao dịch có trách nhiệm kiểm tra các hồ sơ, tài liệu, hợp đồng và việc tạm ứng trước đó để thực hiện việc thanh toán các khối lượng công việc mà Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải và các đơn vị cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải đã thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung câu trả lời của Ban biên tập về thanh toán kinh phí cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 14/2017/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật