Tạm ứng kinh phí cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải được pháp luật quy định như thế nào?

Tạm ứng kinh phí cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải được pháp luật quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là một công chức đang làm việc tại một sở Giao thông vận tải, tôi có một thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập Thư Ký Luật giải đáp như sau: Tạm ứng kinh phí cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải được pháp luật quy định như thế nào? Văn bản nào quy định về vấn đề này? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn!  Hồng Quế (hongque***@gmail.com)

Tạm ứng kinh phí cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải được pháp luật quy định tại Khoản 3 Điều 12 Thông tư 14/2017/TT-BTC hướng dẫn quản lý, sử dụng phí bảo đảm hàng hải thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước và cơ chế tài chính trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, như sau:

a) Mức tạm ứng cho Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải và các đơn vị cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải thực hiện theo quy định của hợp đồng nhưng không vượt quá 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết và không vượt dự toán giao hàng năm. Việc thu hồi số tiền tạm ứng bắt đầu từ lần thanh toán đầu tiên và thu hồi hết số tiền tạm ứng khi thanh toán lần cuối cùng của năm kế hoạch.

b) Hồ sơ tạm ứng được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02/10/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước và Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 01/03/2016 sửa đổi Thông tư số 161/2012/TT-BTC, cụ thể như sau:

- Quyết định phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước của Bộ Giao thông vận tải cho Cục Hàng hải Việt Nam;

- Hợp đồng cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải giữa Cục Hàng hải Việt Nam với các đơn vị cung ứng dịch vụ;

- Giấy rút dự toán ngân sách nhà nước (tạm ứng) của Cục Hàng hải Việt Nam, trong đó ghi rõ nội dung tạm ứng để Kho bạc Nhà nước có căn cứ kiểm soát và theo dõi khi thanh toán.

Như vậy, sau khi Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện ký hợp đồng cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải với các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải và các đơn vị cung ứng dịch vụ, thì Kho bạc Nhà nước nơi Cục Hàng hải Việt Nam giao dịch kiểm tra hồ sơ các nội dung trong hợp đồng để thực hiện việc tạm ứng và kiểm soát chi trước khi tạm ứng đối với Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải và các đơn vị cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải. Đây là quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện về vốn để Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải và các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Hồ sơ tạm ứng được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung câu trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về tạm ứng kinh phí cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này, bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm vấn đề này tại Thông tư 14/2017/TT-BTC.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bảo đảm an toàn hàng hải

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào