Quy định về kiến nghị trong hoạt động trợ giúp pháp lý

Việc kiến nghị trong hoạt động trợ giúp pháp lý được quy định thế nào? Xin chào các chuyên gia của Ngân hàng Hỏi - đáp pháp luật, tôi tên là Hồng Quân, hiện đang làm việc tại Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp tỉnh An Giang, có vấn đề thắc mắc muốn nhờ các chuyên gia tư vấn. Hiện tại tôi đang tiếp nhận và trợ giúp một vụ việc tranh chấp đất đai của một người đang sinh sống ở An Giang, trong quá trình thụ lý, tôi phát hiện ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý đất đai của Ban địa chính địa phương. Cho tôi hỏi, trường hợp này tôi kiến nghị để xử lý những sai phạm này được không? Mong các chuyên gia tư vấn giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn! (hongquan***@gmail.com)

Ngày 01/01/2018, Luật Trợ giúp pháp lý 2017 chính thức có hiệu lực, theo đó, trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. 

Trong trường hợp này, bạn hoàn toàn có quyền kiến nghị để xử lý những sai phạm nói trên vì theo Điều 36 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định về kiến nghị trong hoạt động trợ giúp pháp lý như sau:

1. Trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý kiến nghị bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan nhận được kiến nghị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn trả lời có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Trường hợp quá thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà cơ quan nhận được kiến nghị không trả lời thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền kiến nghị cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan đó xem xét, giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn về kiến nghị trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Trợ giúp pháp lý 2017 để hiểu rõ nội dung này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào