Tội tàng trữ trái phép chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân theo Bộ Luật hình sự 2015
Theo quy định tại Điều 309 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018), được sửa đổi bởi Khoản 111 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 thì:
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
- Dấu hiệu pháp lý của tội danh này là:
Khách thể: Tội xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước đối với chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân. Đối tượng tác động của tội phạm này là chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân. Khi xác định đối tượng tác động có phải là chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân hay không các cơ quan tiến hành tố tụng cần tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn hoặc trưng cầu giám định.
Chủ thể: Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt tuổi luật định.
Mặt khách quan: Người phạm tội thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân là cất giấu, cất giữ chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân ở bất cứ nơi nào mà không nhằm mục đích vận chuyển, hay mua bán chúng.
Hậu quả của hành vi sản xuất chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này nhưng việc xác định hậu quả là rất cần thiết. Đây là căn cứ định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện.
- Hình phạt áp dụng đối với tội danh này là:
Đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Đối với trường hợp thuộc cấu thành tăng nặng: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm (Khoản 2) hoặc phạt tù từ 10 năm đến 15 năm (Khoản 3) hoặc phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (Khoản 4).
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Trên đây là nội dung tư vấn về tội tàng trữ trái phép chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Bộ Luật hình sự 2015.
Trân trọng!